Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Honda thu hồi hơn 18.000 chiếc xe Civic 2011

Tính đến thời điểm hiện tại, hãng Honda vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về những vụ tai nạn liên quan đến lỗi bơm nhiên liệu trên Civic 2011. Ngay cả khách hàng cũng chưa có ai phàn nàn về những chiếc Honda Civic 2011.

Nguyên nhân dẫn đến vụ thu hồi mới nhất của Honda là do lỗi bơm nhiên liệu.
Mới đây, nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản đã tuyên bố sẽ thu hồi tổng cộng 18.056 chiếc Civic đời 2011 sau khi phát hiện vấn đề trục trặc với bơm nhiên liệu. Đây là vụ thu hồi thứ hai trong tháng liên quan đến Honda Civic.

Theo Honda, lỗi nằm ở môđun bơm nhiên liệu bên trong bình xăng. Trong quá trình lắp ráp bình nhiên liệu, hãng Honda đã phát hiện ra một số van bị hư hỏng và quyết định lên kế hoạch thu hồi để sửa lỗi.

Hơn 18.000 chiếc Honda Civic 2011 bị thu hồi vì lỗi nhiên liệu.
Trong trường hợp xấu nhất, ví dụ như tai nạn gây lật xe, van bị hỏng có thể khiến nhiên liệu rò rỉ ra khỏi bình xăng và chảy vào bình khí thải bay hơi. Nếu điều đó xảy ra, xe có thể bị cháy.

Tuy nhiên, hãng ôtô Nhật Bản vẫn quyết định thu hồi và khuyên các khách hàng mang xe đến đại lý ủy nhiệm để kiểm tra nếu nhận được thông báo từ Honda. Giải pháp Honda đưa ra vẫn là thay thế bơm nhiên liệu miễn phí cho những chiếc Civic bị lỗi.

Thu hồi hơn 280 ngàn xe Elantra bởi do lỗi túi khí

Động thái thu hồi đầu tiên dành cho 95.783 mẫu xe Elantra trong series từ 2007-2008MY sản xuất từ 16/7/2006 đến 29/8/2007. Nguyên nhân thu hồi là do mô-đun kiểm soát túi khí của xe có thể nhận tín hiệu điện không ổn định từ bộ cảm ứng vị trí ghế và khiến cho túi khí ở ghế lái bung ra mạnh hơn dự kiến. Nhà sản xuất xứ Kim chi cho biết họ sẽ lập trình lại Mo-đun kiểm soát này miễn phí cho khách hàng.  

Hyundai đã phải ban hành hai lệnh thu hồi riêng biệt dành cho mẫu sedan Elantra do lỗi túi khí.

Vụ thu hồi thứ hai ảnh hưởng tới 188.697 xe  2007-2009MY, sản xuất từ 14/7/2006 tới 1/11/2008. Hyundai cho biết, ở các mẫu Elantra bị thu hồi, cảm ứng trọng lượng có chức năng kích hoạt túi khí ở ghế phụ phía trước có thể bị lỗi, làm cho túi khí bung ra ngay cả khi xe gặp những tình huống va chạm nhỏ, chưa đáng để bung túi khí. Để giải quyết sự cố này, Hyundai sẽ lắp đặt thiết bị bảo vệ lên hệ thống kết nối phân loại trọng lượng để ngăn sai sót.

Cả hai vụ thu hồi này sẽ bắt đầu vào tháng 4/2011.

9 “bí kíp” tiết kiệm xăng đơn giản nhưng mà hiệu quả

Hiện nay, giá xăng tăng cao đang khiến nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo lắng. Không phải ai cũng có đủ điều kiện để bỏ ôtô cũ và chuyển sang dùng một mẫu xe hybrid mới tiết kiệm nhiên liệu hoặc chính bản thân họ chưa mấy mặn mà với dòng xế “xanh”. Do đó, cách tiết kiệm xăng hiệu quả luôn là điều mà nhiều người đang sử dụng ôtô hết sức quan tâm. Dưới đây là một số “bí kíp” đơn giản giúp người tiêu dùng tiết kiệm xăng mà không cần tốn quá nhiều tiền hoặc thao tác phức tạp.

Không cần phải tốn nhiều tiền hoặc thao tác cầu kỳ, người sử dụng vẫn có thể tiết kiệm xăng hiệu quả trong thời bão giá.

1. Thường xuyên kiểm tra động cơ

Thường xuyên kiểm tra động cơ là một trong những cách tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả nhất (Ảnh minh họa).

Các loại động cơ được trang bị cho dòng xe hiện đại ngày nay thường phụ thuộc phần lớn vào nhiều thành phần điện tử vốn rất dễ bị hỏng. Để đảm bảo khả năng tiết kiệm nhiên liệu tối đa cho động cơ, người sử dụng nên thường xuyên mang xe đến các gara có uy tín để kiểm tra. Tuy bạn sẽ phải “móc hầu bao” nhưng về lâu về dài lại tiết kiệm được một số tiền kha khá.

2. Để mắt đến lốp xe

Cần chú ý kiểm tra lốp để tiết kiệm xăng cho xe (Ảnh minh họa).

Cần đảm bảo lốp xe của bạn luôn được bơm hơi đúng áp suất. Khi chạy với lốp non hơi, chiếc xe sẽ “ngốn” nhiều nhiên liệu hơn bình thường. Hãy nhớ kiểm tra lốp xe ít nhất một lần mỗi tháng. Trước khi kiểm tra lốp, hãy lên xe và chạy vài vòng “khởi động”. Làm như vậy là để lốp xe nóng lên, từ đó cho phép bạn kiểm tra chính xác hơn.

3. Loại bỏ những đồ đạc không cần thiết

Sự hiện diện của những đồ vật không cần thiết sẽ dẫn đến tăng trọng lượng xe đồng thời tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Do đó, khi không cần đến, bạn nên cất bớt những đồ đạc như ghế gập, hộp dụng cụ… ở nhà. Thậm chí, giá đỡ hàng trên nóc xe và hộp đựng đồ cũng có thể gỡ bỏ nếu bạn không dùng đến chúng trong chuyến đi. Đồ đạc lỉnh kỉnh sẽ làm giảm tính động lực học của xe, từ đó tiêu tốn nhiên liệu.

4. Tránh dừng giữa chừng quá lâu

Động cơ khi đang nóng bao giờ cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn lúc nguội. Vì vậy, bạn nên liên tục di chuyển thay vì nhiều lần dừng giữa chừng quá lâu khiến động cơ trở về trạng thái nguội.

5. Vạch sẵn lộ trình

Hãy dành một chút thời gian để lên kế hoạch trước cho các chuyến đi nhằm tránh bị tắc nghẽn hoặc “mua” đường. Bạn nên chọn lộ trình tốt nhất để đi và xác định rõ điểm đến. Nếu bị lạc, bạn không những mất thời gian mà còn “đốt” một số tiền khá lớn cho lượng nhiên liệu lãng phí.

6. Giảm tốc độ

Chỉ cần giảm tốc độ trung bình xuống một chút, bạn cũng có thể tiết kiệm một lượng nhiên liệu đáng kể. Theo các nghiên cứu, khi chạy ở tốc độ 112 km/h, xe sẽ “ngốn” lượng nhiên liệu lớn hơn 9% so với 96 km/h. Trong khi đó, lượng nhiên liệu chênh lệch giữa vận tốc 128 km/h và 112 km/h còn lên đến con số 25%.

7. Quan sát đường cẩn thận

Phần lớn các tài xế đều có thể tiết kiệm nhiên liệu cho xe hiệu quả bằng cách quan sát đường phía trước. Bạn nên từ từ dừng lại khi thấy đèn tín hiệu giao thông sắp chuyển sang màu đỏ thay vì cố nhấn ga vượt lên phía trước. Làm như vậy không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh, bạn còn tránh được chuyện tăng tốc không cần thiết hoặc phanh gấp.

Lái xe từ từ giúp bạn không cần phải tăng tốc đột ngột và sang số quá gấp, từ đó tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả. Nếu cần phải dừng lại trong thời gian hơn 2 phút, bạn nên ngắt động cơ để tiết kiệm nhiên liệu. Những dòng xe hiện đại ngày nay thường không tốn nhiên liệu khi tái khởi động.

8. Ngắt điều hòa khi không cần thiết

Phần lớn các loại xe đời mới đều được trang bị điều hòa không khí. Nếu bạn và hành khách không cảm thấy khó chịu, hãy tắt điều hòa không khí để giảm áp lực cho động cơ. Tuy nhiên, cũng đừng tắt điều hòa không khí trong một thời gian dài vì những vi khuẩn có hại sẽ xuất hiện. Cứ 2 tuần, bạn nên bật điều hòa lên trong ít nhất vài phút để vừa tiết kiệm xăng mà lại không gây hại.

Sử dụng điều hòa không khí hợp lý cũng giúp giảm đáng kể lượng nhiên liệu tiêu thụ (Ảnh minh họa).

Thêm vào đó, việc mở cửa sổ xe khi chạy ở tốc độ cao để thay cho điều hòa cũng không phải là quyết định quá khôn ngoan. Lý do đơn giản là vì mở cửa sổ xe sẽ dẫn đến hệ số lực cản tăng, kéo theo tốn nhiên liệu. Như vậy, bạn nên đóng kín cửa sổ và cửa nóc khi chạy ở vận tốc cao để tiết kiệm xăng hơn.

9. Sử dụng xe hợp lý

Nếu không cần di chuyển trên quãng đường dài, bạn có thể chọn những phương tiện giao thông khác thay cho ôtô. Ví dụ, bạn có thể đi bộ hoặc đạp xe để tăng cường sức khỏe và tránh “viêm màng túi” vì tiền xăng.

Những dòng xe cỡ nhỏ hiện nay tiết kiệm nhiên liệu khá hiệu quả (Ảnh minh họa).

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại xe tiết kiệm nhiên liệu để chọn lựa. Nếu đang muốn đổi xe, bạn nên chọn những dòng sản phẩm cỡ nhỏ để tiết kiệm xăng. Các nghiên cứu cho biết, xe càng mới thì càng tiết kiệm nhiên liệu. Hơn nữa, tất cả các dòng xe hiện đại ngày nay đều đi kèm thông số cụ thể về lượng nhiên liệu tiêu thụ để bạn dễ dàng so sánh và chọn cho mình sản phẩm phù hợp nhất.

Trái cây - Nguyên liệu mới để chế tạo xe ôtô

Để lấy sợi nano-cellulose, các nhà khoa học đã đưa dứa hoặc các loại trái cây khác vào một thiết bị tương tự nồi áp suất. Sau đó, họ bỏ thêm các chất hóa học vào nồi và đun nóng hỗn hợp trên. Kết quả thu được là một chất mịn như bột tan. Theo ông Leão, quá trình sản xuất nano-cellulose khá tốn kém. Bù lại, chỉ cần 1 kg nano-cellulose cũng đủ để họ sản xuất 100 kg loại sợi siêu bền và nhẹ.

Không chỉ đơn thuần được dùng để làm thực phẩm, trái cây giờ đây còn “lấn sân” sang ngành công nghiệp chế tạo ôtô.

Hiện nay, các nhà khoa học Brazil đang sử dụng dứa, chuối, dừa và những loại trái cây nhiệt đới khác để chế tạo nhựa thế hệ mới dùng trên ôtô. Theo đó, sản phẩm mới sẽ bền, nhẹ và thân thiện với môi trường hơn loại nhựa nguồn gốc hóa dầu hiện đang được phần lớn các hãng chế tạo ôtô sử dụng.

“Thành phần của loại nhựa mới rất đáng kinh ngạc”, ông Alcides Leão, trưởng dự án nghiên cứu đến từ đại học Sao Paulo của Brazil, phát biểu. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng sợi siêu nhỏ lấy từ trái cây, hay còn gọi là nano-cellulose, để chế tạo loại nhựa nhẹ hơn 30% nhưng dai không kém Kevlar, một chất liệu vốn hay xuất hiện trong áo chống đạn.

Theo lời phát biểu của nhóm các nhà khoa học Brazil trong hội thảo tại California tổ chức hôm Chủ nhật vừa qua, loại nhựa nguồn gốc trái cây không chỉ giảm trọng lượng cho xe mà còn cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu và dễ dàng phục hồi.

Chưa hết, loại nhựa thế hệ mới có thể chống chịu sự tàn phá của nhiệt độ, xăng tràn, nước và ôxy. Ông Leão dự đoán, khách hàng sẽ sớm có cơ hội chứng kiến thành quả lao động của các nhà khoa học Brazil trên xe hơi trong vòng 2 năm tới.

“Từ trước đến nay, chúng tôi mới chỉ tập trung vào việc tìm giải pháp thay thế cho nhựa trên ôtô”, ông Leão phát biểu. “Tuy nhiên, trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu cách thay thế cả thép và nhôm bằng những vật liệu có nguồn gốc thực vật”

“Bắt bệnh” cho điều hòa của xe hơi

Như các bạn đã biết, mục đích trang bị điều hòa cho xe hơi là để lọc sạch không khí và duy trì nhiệt độ thích hợp bên trong ôtô. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ cách sử dụng và bảo dưỡng hệ thống điều hòa sao cho đúng. Chính việc thiếu kiến thức trong sử dụng và bảo dưỡng điều hòa đã khiến nhiều người tốn kém không ít tiền của cũng như thời gian khi phải đưa xe đến các gara. Sau đây, AutoPro xin gửi tới các bạn một số cách cơ bản để sử dụng và “bắt bệnh” điều hòa.

Hiểu rõ những "bệnh" thường gặp và cách sử dụng hợp lý sẽ giúp các chủ xe tiết kiệm một khoản tiền lớn cho việc sửa điều hòa.

Nguyên lý hoạt động cơ bản của hệ thống điều hòa

Sơ đồ nguyên lý hoạt động của hệ thống điều hòa xe hơi.
Khi bạn bật hệ thống điều hòa không khí trên xe hơi, chất làm lạnh sẽ được nén ở nhiệt độ cao rồi chuyển đến dàn nóng (bộ ngưng tụ). Tại đây, chất làm lạnh được quạt hạ nhiệt rồi ngưng tụ thành thể lỏng và lưu thông tới phin lọc trước khi phun vào giàn lạnh (bộ bốc hơi) qua van tiết lưu. Cuối cùng, quạt lồng sẽ thổi không khí lạnh vào cabin và môi chất lạnh (gas) lại được hút trở lại máy nén.

Những kẻ thù của hệ thống điều hòa

Hệ thống điều hòa ôtô luôn có những kẻ thù cần tránh xa hoặc loại bỏ, điển hình như chất ẩm ướt, bụi bẩn, không khí, cao su, mảnh vỡ kim loại và dầu bôi trơn không đúng loại. Phần lớn các yếu tố trên đều gây tắc nghẽn, hình thành axít và làm giảm hiệu suất làm lạnh của điều hòa. Chúng sẽ xâm nhập vào hệ thống điều hòa khi có một bộ phận nào đó bị hỏng hóc hoặc do va đập. Bên cạnh đó, quá trình sửa chữa thiếu kỹ thuật và chính xác cũng là nguyên nhân khiến điều hòa bị “kẻ thù” tấn công.

Một số vấn đề thường gặp khi sử dụng điều hòa

Hệ thống điều hòa vẫn tỏa hơi lạnh nhưng yếu

Khi sử dụng điều hòa lâu ngày, bụi bẩn bám vào lưới lọc và quạt gió, từ đó gây tắc nghẽn khiến hơi lạnh không vào được cabin xe. Trong trường hợp này, bạn có thể giải quyết bằng cách vệ sinh lưới lọc. Qua tham khảo tại một số gara, việc vệ sinh lưới lọc chỉ tốn khoảng 20.000 – 50.000 VNĐ.

Sau khi mở cốp trước và tháo ốc vít...

... bạn sẽ thấy ngay lưới lọc.

Nếu sau khi vệ sinh lưới lọc mà không thấy tiến triển, bạn nên đưa xe tới gara để kiểm tra dây cao áp và dây thấp xem có hoạt động bình thường hay không. Nếu chúng vẫn hoạt động tốt, bạn hãy tiến hành bảo dưỡng dàn nóng/lạnh của hệ thống điều hòa. Chi phí cho việc thay thế dàn nóng/lạnh dao động trong khoảng từ 1,5 – 20 triệu đồng.
Hệ thống điều hòa hoạt động bình thường nhưng không tỏa hơi mát

Vệ sinh lưới lọc, dàn nóng và dàn lạnh cũng là cách giải quyết cho vấn đề này. Nếu vệ sinh mà vẫn không có kết quả, bạn nên nghĩ đến nguyên nhân thiếu môi chất làm lạnh hoặc doăng cao su bị hở. Việc dây đai dẫn động lốc máy lạnh bị trượt là hiện tượng không tránh khỏi khi xe đã sử dụng lâu năm.

Nạp thêm chất lạnh cho hệ thống điều hòa.
Cách khắc phục phù hợp là thay dây đai hoặc nạp thêm chất lạnh cho hệ thống điều hòa. Giá thành cho việc nạp môi chất lạnh bắt đầu từ 150.000 – 200.000 VNĐ. Trong khi đó, nếu nạp lại toàn bộ môi chất lạnh, bạn sẽ phải chi số tiền khoảng 300.000 – 400.000 VNĐ.

Trong trường hợp xấu nhất, bạn sẽ phải thay hệ thống máy nén. Giá bán của một chiếc máy nén cũ đã qua sử dụng dao động từ 2 – 5 triệu đồng. Máy nén mới có giá bán thay đổi tùy theo từng loại xe khác nhau, từ 5 triệu đối với ôtô bình dân cho đến vài chục triệu cho một chiếc xế hộp hạng sang.
Hệ thống điều hòa bốc mùi khó chịu

Có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng điều hòa bốc mùi khó chịu, bao gồm bụi bẩn trên lưới lọc, quạt gió và thói quen hút thuốc lá, ăn uống trong xe hoặc mồ hôi bám khắp nơi. Bạn nên tiến hành vệ sinh lưới lọc và cabin bằng hóa chất chuyên dụng để triệt tiêu hiện tượng này.

Cách sử dụng điều hòa hợp lý

Sử dụng điều hòa hợp lý và đúng chế độ không những giúp bạn đảm bảo sức khỏe, kéo dài tuổi thọ các thành phần điện mà còn tiết kiệm xăng đáng kể.

Bật tắt công tắc A/C hợp lý

Công tắc A/C

Khi bạn bật công tắc A/C, hệ thống làm lạnh sẽ lập tức hoạt động. Tuy nhiên, hãy nhớ chỉ bật công tắc trên sau khi đã khởi động máy và tắt đi trước khi ngắt động cơ. Thêm vào đó, đừng bật chế độ làm lạnh cao ngay khi xe vừa di chuyển vì làm như vậy, xe phải chịu tải lớn hơn và gây hư hại bình điện. Hơn nữa, cần đảm bảo các cửa kính đã được đóng kín để tránh lãng phí hơi lạnh ra bên ngoài và tiêu tốn nhiên liệu.

Chọn chế độ tùy thuộc vào môi trường bên ngoài

Bạn nên sử dụng điều hòa tuần hoàn (gió trong) khi di chuyển trong thành phố, nhất là tại Việt Nam vì môi trường có nhiều khói bụi. Nếu sử dụng chế độ điều hòa tự nhiên (gió ngoài), màng lọc và dàn lạnh phía đầu xe sẽ hút bụi bẩn hoặc thậm chí cả xác côn trùng, từ đó gây ảnh hưởng đến lượng nhiệt lạnh sinh ra trong cabin.

Chọn chế độ điều hòa phù hợp với môi trường bên ngoài.
Tại Việt Nam, khi đi đường dài, bạn nên sử dụng thêm gió ngoài để giúp người ngồi trong xe thoải mái và dễ thở hơn.

Ngoài ra, khi di chuyển xe trong điều kiện trời mưa, bạn nên sử dụng gió trong để tránh tình trạng không khí ẩm lọt vào và gây đọng nước trong cabin. Nếu thấy hiện tượng kính bị mờ làm giảm tầm nhìn, lập tức bật A/C chế độ sấy kính. Nếu đi qua vùng ngập hay vũng nước, hãy tắt hệ thống điều hòa đồng thời hạ kính để tránh tình trạng quạt điều hòa bị kẹt bởi rác bẩn và gây hiện tượng cháy cầu trì. Hơn nữa, bụi bẩn sẽ bít nghẽn lưới lọc và van tiết lưu, từ đó tạo chất phản ứng sản sinh axít gây mài mòn.

Kinh nghiệm khử mùi nội thất của xe hơi

Nếu bận rộn và không có thời gian tự vệ sinh nội thất, bạn có thể mang xe đến các trung tâm. Giá của dịch vụ chăm sóc nội thất tại các trung tâm cũng tùy vào từng loại xe và chi tiết. Cụ thể, nếu muốn chăm sóc toàn bộ nội thất, bạn cần bỏ ra số tiền 1,5 - 3,5 triệu (từ dòng xe bình dân đến cao cấp). Giá thành của quá trình làm sạch từng chi tiết dao động trong khoảng 350.000 – 1.200.000 VNĐ.

Mách bạn một số kinh nghiệm để giữ nội thất xe hơi luôn trong tình trạng sạch sẽ và thơm tho.
Không gian nội thất ảnh hưởng khá lớn đến tâm trạng và sức khỏe của cả người lái lẫn hành khách trong suốt thời gian sử dụng xe hơi. Nếu không thường xuyên vệ sinh, nội thất sẽ bốc mùi khó chịu khiến bạn khó tập trung vào quá trình lái hoặc thậm chí muốn tránh xa chiếc xe của mình. Do vậy, AutoPro sẽ mách bạn một số kinh nghiệm đơn giản và hiệu quả để khử mùi nội thất.

Một số nguyên nhân dẫn đến nội thất bốc mùi

Nguyên nhân khách quan chính là do thời tiết. Khí hậu nóng ẩm và nắng mưa thất thường tại Việt Nam là tác nhân gây ra hiện tượng bạc nội thất, rạn nứt các chi tiết nhựa, sờn hoặc bong tróc da và nỉ bọc ghế. Ngoài ra, độ ẩm cao trong những ngày mưa còn là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi.

Nguyên nhân thứ hai là do chủ xe. Hầu hết các chủ xe đều có thói quen hút thuốc lá khi ngồi sau vô lăng. Dù bạn mở cửa kính khi hút, mùi thuốc lá vẫn vẫn ám vào trong xe. Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác như mùi cơ thể, nước hoa, café và thức ăn bị rơi vãi trong xe. Trong không gian kín, chỉ sau một đêm, các mùi kể trên sẽ bám vào trần, ghế, thảm sàn… và gây ra cảm giác khó chịu cho người sử dụng khi sáng hôm sau mở cửa.

Biên pháp phòng và xử lý “mùi” trong xe

Thường xuyên vệ sinh nội thất vào cuối ngày

Lau vô lăng và cánh cửa
Nếu không có thời gian, bạn cũng nên vệ sinh nội thất ít nhất 3 lần/tuần. Hãy nhớ chuẩn bị một chiếc khăn ướt sạch để lau các bề mặt nội thất bị bám bụi. Sau đó, dùng một chiếc khăn khô sạch, thấm hết hơi ẩm để tránh nấm mốc và vi khuẩn.

Hạ cửa kính

Khi đỗ xe qua đêm, nhất là mùa hè, bạn nên hạ kính xuống khoảng 1-2 cm cho không khí tự nhiên bên ngoài thổi sạch mùi tù đọng trong xe. Không chỉ giúp nội thất thông thoáng, hạ cửa kính còn giảm bớt hơi nóng của máy.

Hạn chế hút thuốc lá trên xe

Cách tốt nhất là bạn nên hút thuốc lá ở ngoài xe. Tuy nhiên, khói thuốc vẫn có thể ám trên người bạn. Vì vậy, sau khi hút thuốc xong, bạn nên đứng ngoài xe khoảng 5-10 phút để chờ mùi khói tan hết.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của dân lái xe, một túi café rang khô đặt trong nội thất cũng có tác dụng khử mùi rất hiệu quả.

Trên đây là một số kinh nghiệm phòng và chống mùi hôi thông thường. Tuy nhiên, nếu chẳng may chiếc xe đang trong tình trạng “báo động” với nội thất xuất hiện nhiều vết bẩn “cứng đầu” và bốc mùi kinh khủng vì lười vệ sinh, bạn cần tiến hành theo các bước dưới đây bằng một số loại dụng cụ và hóa chất chuyên dùng.

Bước 1: Dọn rác

Tháo dỡ thảm trải sàn và dọn sạch rác. Dùng máy hút bụi hút sạch bụi bẩn bám trên bề mặt các chi tiết, rãnh, khe và trong các ngóc ngách sâu. Đặc biệt chú ý đến thảm trải sàn vì đây là phần đọng nhiều bụi bẩn nhất.

Bước 2: Tẩy các vết bẩn cứng đầu

Bạn có thể dùng các hóa chất dạng xịt chuyên dụng như Sonax Car Interior Cleaner để làm sạch các vết bẩn cứng đầu, ví dụ café, nước cacao và các loại chất bẩn khác. Phun đều hóa chất lên từng phần của ghế, pa-nô cửa và bảng táp-lô rồi dùng một miếng mút mềm cọ nhẹ. Tiếp tục dùng bàn chải nhỏ mềm để làm sạch các khe bên trong, rãnh giữa các đường chỉ may của nội thất da, các chi tiết bằng nhựa, gỗ hay giả gỗ. Các ô cửa kính thì lau sạch bằng nước rửa kính thông thường.

Vệ sinh ghế da

Vệ sinh ghế nỉ

Vệ sinh vô lăng

Vệ sinh bảng táp-lô

Vệ sinh cánh cửa
Chú ý: Riêng với nỉ bọc ghế, các công đoạn vệ sinh lại khác với ghế da. Với chất liệu nỉ, bạn chỉ cần hút bụi rồi dùng hóa chất dạng bọt để vệ sinh. Một số chất liệu nỉ có thể bị phai màu khi dùng hóa chất tẩy bụi bẩn, vì vậy bạn nên thử vào một chỗ kín trước khi dùng cho toàn bộ khoang xe.

Bước 3: Khử mùi và dưỡng bề mặt

Sau khi vệ sinh sạch sẽ các chi tiết, bạn dùng loại hóa chất dạng xịt để phun trực tiếp vào bên trong xe rồi đóng chặt cửa khoảng 5 phút. Tác dụng của hóa chất sẽ giúp bạn khử sạch mùi hôi nội thất. Cuối cùng, dùng hóa chất chuyên dụng bôi lên bề mặt các chi tiết bên trong để bảo vệ đồng thời mang đến không gian nội thất như mới.

Lưu ý về các loại hóa chất

Các loại hóa chất vệ sinh

Mỗi loại hóa chất đều có tác dụng khác nhau. Ví dụ, Sonax Smoke-ex có tác dụng khử mùi, Sonax X-Treme dùng để vệ sinh ghế nỉ, Sonax Interior Cleaner được sử dụng trong trường hợp vệ sinh toàn bộ nội thất và Sonax Leather Care là hóa chất dưỡng ghế da. Hóa chất không chỉ xóa sổ bụi bẩn theo cách thông thường mà còn làm sạch các mùi hôi khó chịu trong xe. Để được tư vấn kỹ hơn về các loại hóa chất chuyên dụng cho nội thất xe hơi, bạn có thể đến các trung tâm chăm sóc xe uy tín.

Theo anh Kiên, chủ một trung tâm chăm sóc xe tại Hà Nội, người sử dụng nên vệ sinh tối thiểu 2 lần/năm bằng phương pháp trên nếu ít sử dụng xe. Trong khi đó, nếu thường xuyên đi lại bằng xe hơi, bạn nên vệ sinh nội thất 1 lần sau 3-4 tháng.

Lời khuyên cho bạn: Để bảo vệ nội thất, cách tốt nhất là luôn đỗ xe ở nơi có mái che, trong bóng mát hoặc sử dụng các thiết bị che chắn kính kết hợp với dán kính bằng phim cách nhiệt. Tất nhiên, thường xuyên chăm sóc xe một cách chu đáo luôn là cách tốt nhất để giữ một không gian nội thất sạch sẽ và thơm tho.

Chạy xe thế nào mới tiết kiệm xăng?

Như các bạn đã biết, kể từ ngày 5/4/2011, AutoPro đã bắt đầu gửi đến độc giả chuyên mục "Mỗi ngày một câu hỏi". Hôm qua, chúng tôi đã gửi đến các bạn câu hỏi: "Trong thời buổi giá xăng leo thang, chạy xe (ôtô) như thế nào để tiết kiệm xăng nhất mà không hại máy". Hôm nay, chúng tôi sẽ tổng hợp câu trả lời của một số độc giả để cùng chia sẻ với các bạn kinh nghiệm lái xe tiết kiệm xăng.

Sau đây là chia sẻ của một số độc giả AutoPro về cách chạy xe sao cho tiết kiệm xăng nhất.

Câu trả lời của độc giả Ngôn Nguyễn, địa chỉ email ngon_nguyen2004@yahoo.com:

Lên số sớm, về mo khi đèn tín hiệu giao thông chuẩn bị chuyển sang màu đỏ. Bật điều hòa ở chế độ vừa phải. Và dĩ nhiên, xe phải được kiểm tra định kỳ thật tốt.

Câu trả lời của độc giả Nam, địa chỉ email gobigkid@yahoo.com:

Theo tôi, để tiết kiệm xăng, chúng ta nên chạy đều ga, cố gắng phát hiện chướng ngại vật hoặc tình huống sớm để giảm tốc độ từ từ. Nên tăng tốc vừa phải, đừng rồ máy và kéo dài thời gian tăng tốc quá lâu. Đối với những xe có đồng hồ đo nhiên liệu tiêu thụ, bạn có thể nhìn vào đó để rút ra kinh nghiệm đi cho mình.

Khi đi đường dài, gặp những đoạn giới hạn tốc độ 40 km/h hoặc 50km/h và đường tương đối vắng, bạn có thể sử dụng hệ thống cruise control (nếu có). Làm như vậy, xe sẽ đều ga và tiết kiệm nhiên liệu. Chúc các bạn lái xe an toàn và tiết kiệm.

Câu trả lời của độc giả CAT, địa chỉ email black_cat8190@yahoo.com:

Đi vận tốc vừa phải, đều ga. Không rồ ga và giật số bất chợt. Tránh vượt đèn đỏ và đi vào những đoạn đuờng xấu, xóc, lầy lội.

Câu trả lời của độc giả Âu Trọng Nhân, địa chỉ email anhse_lamtatca_neuduocyeuem@yahoo.com:

Việc để xe nổ không tải lâu sẽ lãng phí nhiên liệu. Việc sử dụng điều hoà quá mức và thường xuyên rồ ga sẽ khiến xe tốn xăng hơn. Cố gắng chỉ bật điều hoà khi thật sự cần thiết. Đừng tăng giảm ga đột ngột, cố gắng chạy xe thật êm và giữ tốc độ ổn định.

Ngoài ra, bạn nên chăm sóc xe định kỳ để tiết kiệm nhiên liệu. Ví dụ, luôn đảm bảo lốp căng hơi (trong khoảng áp suất khuyến nghị của nhà sản xuất in trong quyển hướng dẫn sử dụng). Bên cạnh đó, sử dụng đúng các loại dầu và thay lọc gió khi cần thiết có thể giúp tăng 5% hiệu suất tiết kiệm nhiên liệu cho xe. Thêm nữa, bạn nên cố gắng luôn sử dụng đúng số và tránh chở nặng nếu không cần thiết để tiết kiệm nhiên liệu.

Câu trả lời của độc giả Nguyễn Thanh Tường, địa chỉ email ntt19832001@yahoo.com:

Đi xe giữ ga đều. Hạn chế tối đa việc tăng giảm ga vì xe chạy đều ga bao giờ cũng ít ăn xăng hơn. Chỉ sử dụng phanh khi cần thiết.

Câu trả lời của độc giả Nguyen Ngoc Bao Tan, địa chỉ email emdang_odau_2007@yaho.com:

Khi lên xe, bạn nên nổ máy, đạp ga thật nhẹ nhàng cho tới khi kim vận tốc đạt 60 km/h rồi giữ nguyên như thế mà đi. Ở tốc độ này, xe mới chỉ sử dụng tới cấp thứ 5 thôi. Còn cấp thứ 6 thì vận tốc phải lên tới 80 km/h (đối với xe trang bị hộp số tự động 6 cấp). Tất nhiên, còn phải tùy thuộc vào điều kiện đường xá để quyết định cách chạy xe cho hợp lý. Khi chạy như vậy, máy sẽ hoạt động rất đều mà vẫn không hại.