Phanh là bộ phận giúp người lái có thể kiểm soát được tốc độ của xe, từ đó giảm thiểu khả năng gặp va chạm giao thông khi đi trên đường. Cũng giống như lốp, phanh xe máy có 2 loại, bao gồm phanh dầu và phanh cơ. Mỗi loại phanh đều có đặc tính, thiết kế và cách sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, tất cả các loại phanh xe máy đều nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người lái xe.
Cùng tìm hiểu về hoạt động của phanh xe máy và cách phanh sao cho an toàn nhất.
Má phanh của phanh cơ
Phanh cơ là loại phanh truyền thống, sử dụng cơ chế truyền lực trực tiếp từ tay phanh hoặc chân phanh xuống má phanh, ép má phanh và lốp để tăng ma sát, giảm tốc độ của xe. Trong khi đó, phanh dầu là hệ thống pít-tông thủy lực, khi người dùng bóp phanh, hệ thống thủy lực của phanh sẽ ép 2 má phanh vào đĩa phanh gắn trên lốp để giảm tốc độ của xe. Cơ chế thủy lực của phanh dầu cho phép người lái xe tăng được lực phanh đồng thời giảm thời gian phanh, hay nói cách khác là phanh “ăn” hơn.
Trong quá trình điều khiển xe, người lái cần biết sự khác biệt trong cách sử dụng của 2 loại phanh trên để có thể đảm bảo an toàn cho bản thân. Với phanh cơ, xe sẽ cần nhiều thời gian để giảm tốc độ hơn so với phanh đĩa. Do đó, người lái xe sử dụng phanh cơ cần phải phán đoán tình hình giao thông và khoảng cách với chướng ngại vật để sử dụng phanh cho hợp lý.
Còn với phanh đĩa, do đặc tính “ăn” hơn phanh cơ nên người lái xe cần phải đặc biệt chú ý. Khi sử dụng phanh đĩa, không nên bóp phanh quá chặt và đột ngột. Làm như vậy, xe sẽ giảm tốc độ một cách bất ngờ, từ đó có thể dẫn tới những hiện tượng như xe bị văng đuôi, trượt lốp… và gây nguy hiểm cho người lái.
Phanh dầu giúp xe phanh “ăn” hơn nhưng cũng đòi hỏi người lái phải xử lý tinh tế hơn.
Theo chia sẻ của anh Tuấn, chủ cửa hàng Nhật-Ý Motor (1B Trần Quý Cáp, Hà Nội), người lái xe nên thực hiện kỹ thuật “rà phanh” để có thể giảm tốc độ một cách an toàn. Cụ thể, khi phát hiện chướng ngại vật, người lái đạp phanh dần dần để xe giảm tốc độ từ từ, sau đó lại nhả phanh rồi lại đạp từ từ cho đến khi xe dừng hẳn. Điều này giúp cho xe giảm tốc độ từ từ, tránh được các hiện tượng trượt lốp, văng đuôi, ít gây hao mòn phanh và còn tạo được phản xạ phanh xe cho người đi sau.
Việc quan tâm đến tình trạng má phanh cũng rất quan trọng. Nếu biết được tình trạng mòn của má phanh, bạn sẽ xác định được thời điểm để thay phanh phù hợp và tiết kiệm chi phí.
Vạch báo phanh trên phanh cơ
Đối với các xe sử dụng phanh cơ, trên hộp phanh luôn có vạch kim chỉ rõ vị trí còn lại của phanh. Khi nào cần phanh trên hộp phanh về đến vạch kim này cũng là lúc bạn cần phải thay một má phanh mới. Trong khi đó, với xe sử dụng phanh đĩa, người lái xe có thể quan sát độ dày mỏng của má phanh bằng mắt thường để xác định xem đã đến lúc cần phải thay hay chưa.
Độ dày mỏng của má phanh dầu sẽ giúp người lái xe dễ dàng quyết định thời điểm thay phanh.
Tuổi thọ của phanh phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện môi trường vận hành và thói quen đi lại của người lái xe. Để đảm bảo tuổi thọ cho phanh, người lái xe cần chú ý những điểm sau:
- Không phanh xe bất ngờ hoặc phanh “dúi dụi”, điều này sẽ làm má phanh mòn rất nhanh.
- Đối với phanh dầu, sau khi đi ngoài đường bụi hoặc gặp trời mưa, người lái nên vệ sinh sạch má phanh, rửa trôi các dị vật như cát, bụi, bùn… trong má phanh, từ đó giúp giảm hao mòn cho má phanh.
- Khi đi xe, chú ý không giữ phanh quá lâu trong một thời gian dài. Làm như vậy, má phanh sẽ liên tục ma sát dẫn đến mòn nhanh hoặc nguy hiểm hơn là cháy má phanh gây mất an toàn cho người lái. Ngoài ra, đối với xe sử dụng phanh dầu, việc giữ phanh liên tục sẽ khiến xe bị mất phanh do dây phanh bị nóng, giãn nở và mất áp lực lên đĩa phanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét